Nhiều trẻ nhỏ còn ít tuổi đã phải mang hình hài của “bà lão” khi bị vẹo cột sống. Vẹo cột sống ở trẻ không chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy về sức khỏe.
Dưới đây, chuyên gia đưa ra những cách đơn giản phát hiện trẻ bị cong vẹo cột sống sớm để đưa trẻ đi khám tránh biến chứng sau này.
Trẻ bị cong vẹo gặp nhiều biến chứng
Bé Trần Tuệ Linh ở đội 3 (xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã được các bác sỹ Khoa Phẫu thuật cột sống của Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật tạo hình lại cột sống do cong vẹo hình chữ S. Chị Lê Thị Loan – mẹ của bé cho biết, khi bé Linh được 1 tháng tuổi, gia đình sờ thấy một khối u ở sau lưng. Khối u cứ dần to lên, càng lớn bé càng rõ cái dáng “bà còng”, thêm vào đó là chứng tức ngực và khó thở nên phải đi khám. Theo các bác sĩ, trường hợp của bé Linh bị gù vẹo cột sống bẩm sinh. Với mức vẹo cột sống hình chữ S, bé Linh đã được các bác sỹ phẫu thuật can thiệp để nắn lại cái lưng gù.
PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, Khoa này vẫn thường tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân tới khám cong vẹo cột sống mà đa phần đã ở mức độ nặng. Đặc biệt tới đây vào dịp hè, số lượng thường sẽ tăng nhiều, trong đó nữ mắc nhiều hơn nam.
Cong vẹo cột sống nhẹ gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khỏe tinh thần của trẻ. Trong trường hợp nặng, khung sườn bị biến dạng có thể đè ép vào phổi và tim làm cho trẻ khó thở, giảm sức co bóp của tim, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Biến dạng khung chậu ở trẻ em nữ có thể ảnh hưởng đến sinh đẻ sau này. Đặc biệt trong giai đoạn bệnh nhi phát triển 5 – 8 tuổi, tình trạng cong vẹo cột sống ảnh hưởng nặng đến hô hấp.
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (nguyên bác sĩ Bệnh viện Quân y 103) cho biết, mọi người vẫn nghĩ, cong vẹo cột sống chỉ là do ngồi sai tư thế, phải lao động cực nhọc khi còn nhỏ tuổi, đeo nặng nhưng thực tế nguyên nhân có nhiều. Phần lớn bệnh nhân vẹo cột sống không xác định được rõ nguyên nhân. Vẹo cột sống còn do bẩm sinh, kèm theo các bệnh lý tuỷ sống hay thần kinh cơ (bướu đa sợi thần kinh, hội chứng Marfan, rỗng tuỷ sống, thoát vị hạnh nhân tiểu não, di chứng sốt bại liệt…).
Một phần vẹo cột sống ở trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều hiện cũng do trẻ ngày nay lười vận động, thời gian sử dụng máy tính, thiết bị điện tử kéo dài, ngồi sai tư thế với tiêu chuẩn bàn ghế không phù hợp.
Cong vẹo cột sống thường xuất hiện từ bé và tiến triển nhanh ở tuổi dậy thì. Từ 14-17 tuổi là thời điểm biểu hiện rõ nhất do đây là thời kỳ mà hệ xương khớp phát triển mạnh. Vẹo cột sống không chỉ mất thẩm mỹ mà còn làm giảm chức năng hô hấp, tim mạch, các em gái có thể sẽ khó khăn cho việc sinh nở sau này.
Cách phát hiện sớm con cong vẹo cột sống
PGS.TS Đinh Ngọc Sơn cho rằng, việc phát hiện sớm cong vẹo cột sống là rất quan trọng để can thiệp cho trẻ, tránh những biến chứng không tốt cho sức khỏe. Phương pháp đơn giản để bố mẹ có thể phát hiện bất thường cột sống của trẻ ngay tại nhà là: cho trẻ đứng thẳng, hai chân song song sát nhau, rồi để trẻ cúi xuống từ từ, đầu gối thẳng. Lúc này, người lớn có thể quan sát sự cân đối của hai vai, nếu một vai nhô lên cao cho thấy có sự bất thường cột sống thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên về cột sống để làm các chẩn đoán xác định lại xem các cháu có bị vẹo không.
Để phát hiện vẹo cột sống hay không bác sỹ chỉ định chụp phim chụp X-quang rất đơn giản, nhanh chóng. Nhiều trường hợp phát hiện muộn, điều trị không đúng cách khiến tình trạng vẹo nặng hơn. Khi đó dù phẫu thuật, cột sống cong góc quá lớn cũng chỉ khắc phục được một phần.
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cho biết để phòng ngừa cong vẹo cột sống trước hết cần phải nâng cao sức khỏe chung của cơ thể bằng cách rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên, tăng cường sức mạnh khối cơ, các tổ chức liên kết, dây chằng, khớp, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối. Lứa tuổi học sinh cần chú ý đến tư thế ngồi học đúng, không mang cặp nặng…
Để phục hồi chức năng có thể áp dụng một số bài tập có mục tiêu kéo giãn các cơ, dây chằng phía cột sống cong lõm và làm mạnh các cơ phía cột sống cong lồi để điều chỉnh lại tư thế cột sống. Ngoài tập các bài hỗ trợ như bơi, đu xà đơn thường xuyên, có thể áp dụng các bài tập sau.
* Bài tập ở tư thế nằm ngửa:
– Bài tập 1: Trẻ nằm ngửa, hai tay trẻ đan các ngón vào nhau và đặt sau gáy. Kỹ thuật viên gập gối phải của trẻ, đưa gối và khuỷu tay bên đối diện chạm vào nhau rồi đổi bên. Gối phải chạm khuỷu tay trái, gối trái chạm khuỷu tay phải. Mỗi động tác lặp lại 10 lần.
– Bài tập 2: Trẻ nằm ngửa, co hai chân, tỳ gót và vai xuống giường nâng mông lên đưa mông sang phía cột sống cong lồi đặt xuống giường, rồi nâng mông đưa về vị trí ban đầu. Cứ đưa mông về phía cột sống cong lồi hai lần thì đưa mông về phía cột sống cong lõm một lần. Lặp lại động tác 10 lần.
* Bài tập ở tư thế nằm nghiêng:
– Trẻ nằm nghiêng góc lõm cột sống ở phía dưới, góc lồi cột sống ở phía trên. Chống tay phía dưới đỡ bàn tay vào đầu trong khi người vẫn giữ ở tư thế thẳng, chân dưới duỗi, chân trên co, giữ 5 – 10 giây rồi nằm thẳng lại. Lặp lại động tác 10 lần.
– Trẻ nằm nghiêng như trên trong tư thế thân người thẳng. Kỹ thuật viên đứng trước mặt bệnh nhi dùng tay phía chân bệnh nhi luồn xuống trước dưới đỡ chân bệnh nhi bàn tay đặt vào đùi phía dưới của bệnh nhi, tay kia của kỹ thuật viên cố định bờ sườn phía trên của bệnh nhi rồi nâng chân bệnh nhi lên để kéo giãn cột sống phía lõm, giữ 5 giây rồi đặt về tư thế ban đầu. Lặp lại động tác 10 lần.
* Bài tập ở tư thế nằm sấp:
– Bài 10: Trẻ nằm sấp, tay phía cột sống lõm giơ thẳng lên phía đầu, tay phía cột sống lồi duỗi thẳng với xuống gối cùng bên, đầu nghiêng nhìn theo tay, giữ 5 giây rồi nằm thẳng lại. Lặp lại động tác 10 lần.
– Bài 11: Trẻ nằm sấp, hai tay duỗi thẳng đặt hình chữ V lên phía đầu. Kỹ thuật viên dùng một tay đỡ hai chân trẻ bàn tay đặt mặt dưới đùi nâng khung chậu lên khỏi mặt giường, tay kia cố định bờ sườn phía cột sống lồi rồi đưa chân trẻ về phía lồi để kéo giãn bên lõm, giữ 5 giây rồi đưa về vị trí ban đầu. Cứ đưa chân trẻ về phía cột sống lồi hai lần thì về phía cột sống lõm một lần. Lặp lại động tác 10 lần.